Trẻ em uống cafe có tốt không?
1. Cà phê là gì?
Cà phê là sản phẩm được chế biến từ hạt cà phê sau khi thu hoạch đã được phơi, sấy khô và rang lên. Sản phẩm cà phê chứa nhiều thành phần: chất bảo quản, chất điều vị, đường, sữa với một tỉ lệ nhất định, nhưng thành phần cơ bản nhất vẫn là caffein.
Cà phê có hương vị rất lạ, hấp dẫn, khiến nhiều người thích thú. Vậy tại sao cà phê lại trở thành thức uống được ưa thích đến vậy? Chính nhờ tác động của chất caffein có trong cà phê.
2. Cơ chế hoạt động của caffein
Hiện nay, có một số nghiên cứu cho thấy caffein là một chất tạo ra vị đắng trong cà phê. Ngoài việc cung cấp năng lượng thì caffein còn kích thích, tác động trực tiếp đến não bộ, khiến cơ thể cảm thấy hưng phấn và tỉnh táo hơn.
Caffein còn góp phần ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2, ung thư dạ dày, ung thư phổi và ung thư vú. Các công dụng khác của cà phê bao gồm điều trị nhức đầu, hạ huyết áp, béo phì và rối loạn tăng động (ADHD). Tuy nhiên để sử dụng caffein trong điều trị bệnh thì cần sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng caffein không đúng quy định và liều lượng đặc biệt cho trẻ em.
3. Những tác hại của caffein đến trẻ em
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, uống cà phê quá nhiều có thể làm nhịp tim nhanh, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, cao huyết áp, mất ngủ và mệt mỏi. Đặc biệt, trẻ em có thể không kiềm chế được cảm xúc do tác động của caffein nhiều hơn người lớn bởi vì cơ thể của chúng chưa phát triển hoàn thiện để có thể dung nạp lượng caffein nhiều như người lớn. Dưới đây là một số tác hại của cà phê đến trẻ em:
- Không có tác dụng giải khát: Cà phê có tác dụng lợi tiểu và sẽ khiến trẻ đi tiểu nhiều hơn mà không có khả năng bù nước lại.
- Không cung cấp năng lượng. Cà phê có thể làm cho người dùng cảm thấy tỉnh táo hơn nhưng không mang lại giá trị dinh dưỡng cho cơ thể. Thực tế cho thấy, cà phê có thể gây mất ngủ và làm cho người ta cảm thấy mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau. Trẻ có thể nạp năng lượng bằng cách ăn thức ăn bổ dưỡng khác chứ không phải từ cà phê.
- Rối loạn tâm trạng và cảm xúc. Điều này đã được kết luận qua nhiều nghiên cứu: chất caffein làm cho trẻ rơi vào trạng thái lo lắng, cực đoan, bồn chồn và trở nên quá hiếu động. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng với liều 100 - 400mg caffein/ngày cũng đủ để gây ra những trạng thái này. Sự lo lắng, bồn chồn hoặc hưng phấn quá mức là điều không có lợi với trẻ em. Chúng sẽ trở nên hay phá phách, ít tập trung và tiến gần đến hội chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em.
- Thay đổi khẩu giác và vị giác. Trẻ em sẽ không mất cảm giác ăn ngon và thích thú với những món ăn thông dụng. Thay vào đó, chúng sẽ có thói quen thích dùng những đồ ăn, đồ uống chứa caffein. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi nó như là một chất kích thích, chúng sẽ tác động trực tiếp đến não bộ của trẻ. Thực chất, bất kể thực phẩm đó có ngon hay không, có giàu dinh dưỡng hay không, có khiến cơ thể khỏe mạnh hay không, miễn là chúng có mùi và có vị từ caffein đều khiến trẻ em thích mê. Sự tác động làm thay đổi giác quan này sẽ khiến trẻ giảm thèm ăn, thường chỉ thích ăn đồ ngọt, khiến trẻ dễ bị suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh lý khác.
- Các vấn đề về giấc ngủ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em tiêu thụ caffein gặp phải các vấn đề về rối loạn giấc ngủ. Caffein làm tăng huyết áp và gây ra tình trạng lo âu ở trẻ em và lần lượt dẫn đến những vấn đề về giấc ngủ. Caffein cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng động giảm chú ý và khó tập trung ở trẻ em;
- Gây nghiện. Nếu người lớn có thói quen uống trà hoặc cà phê vào buổi sáng hoặc buổi tối có thể làm tăng nguy cơ bị đau đầu. Tương tự với trẻ em cũng vậy. Cho trẻ uống cà phê mỗi ngày chắc chắn là một thói quen không tốt, trẻ sẽ bị nghiện và rất khó bỏ;
- Giá trị dinh dưỡng thấp. Một tách cà phê chứa hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Thay vì cho trẻ uống cà phê thì sữa hoặc nước ép trái cây tươi sẽ là lựa chọn khoa học hơn giúp trẻ khỏe mạnh và nâng cao sức đề kháng;
- Tăng lượng đường hấp thụ. Cà phê có chứa một lượng lớn đường. Cơ thể trẻ hấp thụ quá nhiều đường sẽ dẫn đến tình trạng sâu răng cũng như bệnh béo phì hoặc suy dinh dưỡng, mất cân bằng dinh dưỡng;
- Giảm canxi trong xương. Caffeine càng nhiều thì lượng canxi thải qua nước tiểu càng lớn khiến canxi máu càng thấp. Điều này cũng khiến lượng canxi trong xương từ đó bị giảm mạnh, khiến trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thấp bé, nhẹ cân. Trẻ em đang ở giai đoạn phát triển, cần nạp nhiều dinh dưỡng cũng như cung cấp đủ lượng canxi cần thiết thì nay cà phê lại là nguyên nhân trực tiếp làm thiếu hụt canxi trong xương của trẻ.
- Kích thích tiểu nhiều. Cà phê là chất lợi tiểu. Điều này có nghĩa là uống nhiều cà phê làm bé đi tiểu nhiều hơn, dẫn đến việc mất nước, mất canxi thông qua nước tiểu.
- Các vấn đề về dạ dày. Hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày của trẻ nói riêng chưa phát triển hoàn thiện nên không thể trang bị các chất xử lý caffeine. Do đó, ngay cả khi lượng caffein là rất ít cũng có thể dẫn đến các vấn đề dạ dày và ợ nóng.
Tóm lại, cà phê không mang lại giá trị dinh dưỡng cho trẻ mà còn có nhiều tác hại nếu trẻ uống thường xuyên. Vì vậy, chúng ta cần hạn chế tối đa việc cho trẻ em tiếp xúc với cà phê hay các sản phẩm chứa caffein. Thay vào đó, hay cho trẻ dùng những thức uống khác có lợi cho sức khỏe và mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt người lớn cần tránh để trẻ tiếp xúc với cà phê từ sớm và khuyến khích con dùng những sản phẩm có lợi cho sức khỏe.
Xem thêm