Làm gì khi mắt bé bị đổ ghèn xanh?
1. Mắt bé bị đổ ghèn xanh là gì?
Khi vừa ra đời, trẻ sơ sinh có đôi mắt khỏe mạnh và bé có thể cảm nhận được ánh sáng gần mình. Trong những ngày tiếp theo, tầm nhìn của bé ngày càng tăng dần so với khoảng cách 25cm lúc chào đời. Các bà mẹ có thể nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở mắt trẻ như: chảy nước mắt liên tục, nhiều, hai mắt không vận động không giống nhau, con ngươi trắng, ... Đặc biệt, mắt bé sơ sinh bị đổ ghèn xanh là một dấu hiệu hay gặp. Phần lớn các bậc cha mẹ đều bối rối không biết rằng khi em bé bị đổ ghèn mắt là một phản ứng sinh lý bình thường hay là chỉ điểm của một căn bệnh nguy hiểm nào đó. Vậy ghèn mắt là gì?
Ghèn mắt, hay còn gọi là gỉ mắt, là một chất tiết được hình thành khi em bé ngủ. Ghèn mắt có tác dụng: ngăn chảy nước mắt, làm ẩm đôi mắt. Do đó, nếu vì một nguyên nhân nào đó mà ghèn mắt không được hình thành sẽ gây nên khô mắt. Tuy nhiên, trường hợp mắt bé bị đổ ghèn liên tục thì lại là một vấn đề bất thường, chỉ điểm cho một tình trạng viêm nhiễm ở mắt.
2. Điều gì khiến mắt bé bị đổ ghèn xanh?
2.1. Viêm kết mạc
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc ở trẻ, trong đó phổ biến là do vi khuẩn và virus.
- Đối với viêm kết mạc do vi khuẩn: các tác nhân thường gặp là lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và Chlamydia (gây viêm kết mạc thể vùi). Biểu hiện thường gặp của viêm kết mạc do vi khuẩn là mắt bé bị đổ ghèn xanh kèm mủ làm cho bé khó khăn khi mở mắt vào buổi sáng. Bé có thể bị ở một hoặc hai bên mắt.
- Đối với viêm kết mạc do virus: không giống với vi khuẩn, khi bị viêm kết mạc do virus, trẻ đổ ghèn nhảy lỏng không có mủ, xảy ra ở hai mắt. Tuy nhiên, trẻ chảy nhiều nước mắt, ngứa, đau mắt, đỏ mắt. Ngoài ra, trẻ có thể bị sốt do siêu vi.
2.2. Tắc tuyến lệ
Tắc tuyến lệ gặp tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh với khoảng 10%. Nguyên nhân là do dị vật trong ống dẫn lệ khiến nước mắt bị nghẽn lại, không thể chảy xuống được. Do đó trẻ có hiện tượng chảy nước mắt liên tục khi không khóc, nhiều ghèn, mắt đỏ. Khi trời trở lạnh hoặc có nhiều gió, nắng, hiện tượng này có thể tăng lên. Tình trạng này ở trẻ sơ sinh có thể tự biến mất sau vài tháng. Mẹ có thể thường xuyên vuốt dọc sống mũi bé, bắt đầu từ khóe mắt đến lỗ mũi để thông tuyến lệ cho bé. Tuy nhiên, nếu để em bé bị đổ ghèn mắt lâu dài có thể gây ra các vấn đề khác như mủ mắt, ...Trong trường hợp này, mẹ cần đưa bé đi khám để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
2.3. Dị vật mắtĐây là một nguyên nhân nguy hiểm làm mắt bé bị đổ ghèn liên tục. Đôi mắt trẻ là một bộ phận dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường xung quanh (ánh sáng quá mạnh, nhiều gió, bụi, ...). Vì thế bất kỳ dị vật nào như lông chó mèo, hạt cát, lông mi, ... vô tình rơi vào mắt bé mà không được loại bỏ kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm. Mẹ có thể phát hiện ra nguyên nhân này bằng cách quan sát đôi mắt của bé. Hãy đưa bé đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến chức năng mắt của bé.
2.4. Dịch ối chảy vào mắt bé lúc sinh
Khi mắt bé sơ sinh bị đổ ghèn xanh, phải nghĩ ngay đến nguyên nhân này. Trong quá trình sinh nở, có thể dịch nước ối và máu mẹ đã dính vào mắt làm bé bị đổ ghèn. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng vì đây là một nhiễm trùng mắt thông thường ở trẻ sơ sinh.
2.5. Nhiễm bẩn
Là một nguyên nhân làm mắt bé bị đổ ghèn xanh thường gặp nhưng ít được các bậc phụ huynh nghĩ đến. Các chất bụi bẩn, vi khuẩn ở tay có thể theo vào mắt khi trẻ đưa tay lên chạm vào, hoặc c do người chăm sóc trẻ không vệ sinh tay sạch sẽ.
2.6. Vệ sinh không đúng cách
Một số bà mẹ chưa có kinh nghiệm trong việc vệ sinh mắt cho trẻ, hoặc vì sợ làm tổn thương đến mắt trẻ nên vệ sinh qua loa, không đúng cách. Tình trạng này có thể dẫn đến việc mắt bé sơ sinh bị đổ ghèn xanh, làm bé khó mở mắt khi thức dậy. Nếu không khắc phục vấn đề này, về lâu dài sẽ làm tăng nguy cơ viêm kết mạc.
3. Cách vệ sinh khi mắt bé bị đổ ghèn liên tục
Để vệ sinh mắt bé đúng cách, mẹ cần nghiêm túc thực hiện các bước sau:
- Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay.
- Chuẩn bị gạc sạch, nếu không có thể dùng khăn dùng một lần. Không nên dùng bông gòn vì có thể vương lại các sợi nhỏ trên mắt bé.
- Dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý thấm ướt miếng gạc.
- Nhẹ nhàng lau mắt cho trẻ, lau từ khóe mắt ra đuôi mắt theo một chiều, mỗi lần lau sử dụng một miếng gạc mới.
- Lau mắt còn lại bằng miếng gạc khác. Trong quá trình lau, không lau vào mí mắt trẻ. Mỗi ngày mẹ có thể lau mắt cho bé 2 – 3 lần hoặc khi nào ghèn xuất hiện.
Xem thêm